Đa phần khi học tiếng Anh chúng ta đều khá đau đầu với ngữ pháp của nó. Chúng ta bắt đầu đưa lí do “Làm sao nói lưu loát được khi phải suy nghĩ sử dụng thì nào là đúng”, “Làm sao nói trôi chảy được khi vừa giao tiếp vừa phải nhớ công thức các thì”. Khi quyết tâm chưa đủ lớn, người ta dễ dàng đưa ra nhiều khó khăn cho bản thân để lựa chọn lùi bước thay vì giải quyết nó. Nếu bạn muốn kết liễu cơn ác mộng mang tên “Ngữ pháp tiếng Anh” thì bài viết này sẽ giúp bạn, xem ngay để không bỏ lỡ.
4 SAI LẦM HỌC NGỮ PHÁP TIẾNG ANH HAY MẮC PHẢI
1. Quá chú trọng vào học thuộc công thức
Đã gọi là công thức thì nó sẽ máy móc, cứng nhắc. Trong giao tiếp, nếu muốn nói một câu nào đó, bạn lại phải suy nghĩ nói câu đó sử dụng thì nào, công thức của nó là như thế nào thì có vẻ như cuộc trò chuyện khó mà diễn ra êm thấm được. Đối phương chưa kịp phát hỏa thì bạn đã muốn uống thuốc bổ não để tăng cường trí nhớ rồi.
Tuy nhiên, việc học thuộc công thức có vẻ khá hữu hiệu cho các bạn học ngữ pháp chỉ để đi thi với điều kiện bạn phải thuộc chính xác. Và bạn sẽ có một bài làm tuyệt vời nếu không xuất hiện vài chỗ bất quy tắc khiến bạn muốn độn thổ để tìm ra công thức đó nằm ở chỗ nào trong kho ngữ pháp Tiếng Anh đồ sộ. Nếu bạn cũng đang học thuộc lòng công thức vì nó là phương pháp học truyền thống thì bạn nên tạm dừng lại.
Bạn nên học ngữ pháp qua các mẫu câu. Học thuộc lòng một mẫu câu, nhất là những câu hay được sử dụng trong khi giao tiếp sẽ giúp bạn phản xạ nói tiếng Anh tốt hơn, đi thi cũng có thể dễ dàng suy ngược lại công thức từ ví dụ mà mình đã nhớ.
2. Chỉ học lý thuyết suông
Học thuộc lòng công thức, đến nỗi trong đầu bạn chỉ toàn là S, V, O. Bạn cứ thế đi thi với một niềm tin lớn lao rằng sẽ làm được bài tập ngữ pháp Tiếng Anh ngon ơ. Thế nhưng kết quả không bao giờ được như ý bạn mong muốn.
Lí do là các đơn vị ngữ pháp tiếng Anh thường xuất hiện trong các dạng bài tập dưới dạng phức của nhiều đơn vị hay dạng đặc biệt, bất quy tắc chứ không đơn thuần như trong lý thuyết.
Cách duy nhất để làm bài tập một cách nhanh và chính xác nhất là bạn phải thực hành thật nhiều. Gặp nhiều dạng bài tập thì khi đi thi, bạn sẽ có phản xạ nhanh và chính xác khi gặp trường hợp ấy.
3. Cho rằng không cần học ngữ pháp tiếng Anh
Gần đây, có rất nhiều ý kiến cho rằng học tiếng Anh thì chỉ nên học giao tiếp. Sau khi giao tiếp thành thạo thì ngữ pháp sẽ đến một cách tự nhiên. Thực tế cho thấy đây là một ý tưởng không sai nhưng chưa đúng hoàn toàn. Ngôn ngữ nào cũng thế, học ngữ pháp là việc vô cùng quan trọng. Kể cả khi bạn học tiếng mẹ đẻ. Cho dù bạn đã nói thành thạo thì việc học ngữ pháp tiếng Việt vẫn phải học đến hết lớp 12.
Do đó, khi mới bắt đầu học, các bạn nên chú trọng vào việc học phát âm sao cho chính xác nhất. Sau đó học ngữ pháp song song với việc áp dụng ngữ pháp ấy vào thực tế. Đó mới là phương pháp học ngoại ngữ hiệu quả nhất chứ không phải cứ nói bừa mà không theo một cấu trúc ngữ pháp nào cả.
4. Học ngữ pháp “chết”
Theo cách học truyền thống, người học thường viết ra một danh sách các công thức riêng lẻ, chép đi chép lại để ghi nhớ. Các bạn có thể đưa lượng ngữ pháp tiếng Anh ấy vào trí nhớ ngắn hạn nhưng sau một thời gian ngắn bạn quên hết những gì đã học. Bạn nhớ cấu trúc nhưng không thể áp dụng để nói. Khi giao tiếp bạn không nhớ nổi mình đã học cái gì. Học ngữ pháp tiếng Anh mà không áp dụng được khi giao tiếp thì chẳng khác gì ngữ pháp “chết”.
8 BÍ QUYẾT HỌC NGỮ PHÁP TIẾNG ANH CẦN “KHẮC CỐT GHI TÂM”
1. Kết hợp quy trình Nghe – Nói – Đọc – Viết khi học Ngữ pháp
Học ngữ pháp thông qua Nghe, Nói, Đọc, Viết là một cách học giúp bạn học tiếng Anh bài bản và chuẩn xác. Ở mỗi quá trình bạn sẽ phải tinh tế nhận biết những kiến thức mình còn thiếu và củng cố không ngừng.
Không khó nếu bạn tập trung học và coi trọng từng cấu trúc mình đã đọc qua. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể nhớ hết được chúng. Vì vậy trong quá trình học yêu cầu bạn phải ghi nhớ nhiều hơn bằng cách luyện tập đều đặn mỗi ngày.
2. Học các thì tiếng Anh
Dù bạn học bất kỳ nội dung gì, kiến thức nào thì vẫn phải tuân thủ theo quy tắc của các thì tiếng Anh.
Vì vậy hãy bắt đầu đơn giản nhất với cấu trúc các thì. Học và luyện theo thật rõ ràng mới chuyển đến các loại cấu trúc khác.
3. Tìm tài liệu đáng tin cậy
Để tìm được một cuốn tài liệu phù hợp, quan trọng nhất là bạn biết mình đang ở trình độ nào.
Hãy thử các bài test miễn phí trên mạng để đánh giá sát nhất khả năng của bạn và tìm hướng đi phù hợp.
Để tránh nhàm chán, bạn có thể tìm các chương trình mình yêu thích để xem dưới dạng video, audio, các bài hát hoặc phim ảnh,…
4. Học về cách sắp xếp loại từ chuẩn xác
Cách sử dụng các loại từ vựng đều phải tuân theo một quy tắc nhất định. Để có được lượng kiến thức ngữ pháp tiếng Anh chính xác nhất ngay từ đầu bạn phải hiểu được vị trí của chúng trong câu.
Eg: Vị trí của danh từ:
- Danh từ đứng sau a, an, the, this, that, these, those…
- Danh từ đứng sau my, your, her, his…
- Danh từ đứng sau từ chỉ số lượng như many, some, any..
5. Những câu ngắn, rõ ràng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều
Người học tiếng Anh thường mắc phải một số lỗi khi viết thành câu:
- Câu quá dài ảnh hưởng đến trải nghiệm người đọc
- Mệnh đề chồng chéo nhau nhưng không kiểm soát được vai trò ngữ pháp
- Bắt đầu câu bằng các tân ngữ, động từ
- Cấu trúc câu không sắp xếp khoa học
- Câu có liên từ bắt đầu là câu có ngữ pháp chưa hoàn chỉnh
- Chưa rõ ràng giữa ăn phong nói và văn phong viết
Tập thói quen viết câu hoàn chỉnh sẽ giúp mạch hành văn của bạn ngày càng rõ ràng, mạch lạc hơn.
Thay vì sử dụng các mệnh đề chồng chéo nhau, bạn có thể tách ra thành nhiều câu ngắn. Tuy nhiên, theo cách này trong trường hợp hài hước, trong giao tiếp hàng ngày thì sẽ có những nhược điểm nhất định. Nó sẽ làm mất thời gian của người nghe, giọng điệu khó diễn tả theo hướng hài hước, dí dỏm.
6. Không phải ngữ pháp thuộc lòng mới có thể giao tiếp, sử dụng tiếng Anh
Ngữ pháp tiếng Anh quan trọng hơn trong văn viết và trong công việc. Còn với giao tiếp hàng ngày, hãy sử dụng theo thói quen và văn cảnh. Bạn hoàn toàn có thể áp dụng cách học ngược lại chính là học giao tiếp trước. Từ đó sẽ nhớ và hoàn thành tốt hơn phần cấu trúc ngữ pháp. Cố gắng luyện tập thường xuyên để hoàn chỉnh ngữ pháp mỗi ngày.
7. Luyện viết nhiều hơn
Luyện viết tiếng Anh cũng như tiếng Việt, khi luyện tập nhiều lần thì tự khắc sẽ trở thành nhuần nhuyễn, những kiến thức liên quan cũng như khả năng trình bày sẽ tiến bộ hơn nhiều.
8. Không học ngữ pháp chết
Học ngữ pháp chết khiến bạn không thể giao tiếp. Do đó, nó đi ngược lại với vai trò của việc học ngôn ngữ. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi những kiến thức mà học học được xa vời thực tế, không mấy khi sử dụng đến và chỉ tập trung học thuộc như một con vẹt.